Lưu truyền Ông già Ba Tri

Câu chuyện về ông già Ba Tri lưu truyền trong dân gian và cũng được ghi lại trong một số sách: "Monographie de la province de Bến Tre" (Chuyên khảo tỉnh Bến Tre) do một người Pháp soạn năm 1929, "Kiến Hòa xưa và nay" của Huỳnh Minh (1965), "Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1954)" của Nguyễn Duy Oanh (1971).

Cũng như các chuyện truyền miệng trong dân gian, chuyện về ông già Ba Tri có nhiều dị bản. Có những sách kể ông già Ba Tri nhưng không nói tên, chỉ chung chung những ông già đi kiện tụng đó. Song những câu chuyện này đều viết về những ông già đi bộ từ Bến Tre đến kinh đô Huế và kết cục là đòi được lẽ phải cho người dân chợ Trong. Ý nghĩa của câu chuyện là đề cao tinh thần dũng cảm, quyết tâm kiên trì bảo vệ lẽ phải, bất chấp mọi trở ngại, hiểm nguy qua hình tượng của "ông già Ba Tri".

Trong ngôn ngữ

Tự điển Tiếng Việt của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giải thích thành ngữ "Ông già Ba Tri": "Người già mà quắc thước, can đảm, có công sửa làng, giúp nước, lập chợ, mở đường".

Cho tới nay cụm từ này đã trở thành một thành ngữ chỉ những ông già kiên quyết hành động, bất chấp trở ngại tuổi tác, chứ không riêng chi mấy ông ở huyện Ba Tri nữa [3][4].